Nét độc đáo về phong tục và ý nghĩa 7 ngày Tết Việt Nam

Ở Việt Nam 1 năm đang có 7 dịp Tết lớn với những phong tục và tập quán riêng biệt. Tùy thuộc vào từng vùng miền và dân tộc mà cách đón Tết sẽ có những nét đặc trưng riêng biệt. Cùng Phan Hoàng Gia tìm hiểu chi tiết về nguồn gốc, phong tục, tập quán của 7 ngày Tết Việt Nam.

Xem thêm những bài viết hay và ý nghĩa về Tết của Phan Hoàng Gia anh chị nhé!

Tuyển tập nhạc Tết hay nhất Bộ sưu tập câu chúc Tết ý nghĩa
Tập tục Xông đất ngày tết Văn khấn Tết
Món ăn Tết theo từng vùng miền Những cách trang trí Tết độc đáo nhất

1. Tết Nguyên Đán (Tết cổ truyền) – Ngày 1/1 âm lịch

Tết Nguyên Đán hay còn được gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hoặc gọi vắn tắt là Tết. Đây là thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới theo lịch Âm của các nước Đông Nam Á.

Theo Wikipedia nguồn gốc Tết bắt đầu từ nền Văn hóa Đông Á là cái nôi của nền nông nghiệp lúa nước. Do nhu cầu canh tác công việc đã phân chia thành 24 tiết khí khác nhau và ứng với mỗi tiết khí này là thời khắc chuyển giao quan trọng. Và dịp đầu năm là chu kỳ đầu của thời gian canh tác gieo trồng tức là tiết khí Nguyên Đán, đến thời điểm hiện tại được gọi là Tết Nguyên Đán.

Đây là dịp lễ lớn và quan trọng nhất của người Việt Nam, bởi đây là dịp con người thể hiện sự biết ơn với đất trời, là thời gian sum họp với người thân, bạn bè, thăm hỏi và chúc mừng nhau, cùng ôn lại chuyện năm cũ vừa qua, tục gọi là Tết Đoàn Viên.

Các giai đoạn chính trong dịp Tết:

  • Rằm tháng Chạp 
  • Cúng ông Táo ông Công
  • Tất niên
  • Dọn bàn thờ và nhà cửa
  • Cúng Giao thừa

Các hoạt động chính trong 7 ngày Tết:

  • Ba ngày Tân niên (Mùng 1 Tết Cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy)
  • Xông đất
  • Xuất hành và hái lộc
  • Tục chúc Tết
  • Tục thăm viếng
  • Tục mừng tuổi
  • Ngày hóa vàng
  • Khai hạ (Lễ hạ Nêu)

2. Tết Nguyên Tiêu – Ngày 15/1 âm lịch

Các ngày Tết Việt Nam không thể thiếu ngày Tết Nguyên Tiêu diễn ra vào ngày 14 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch. 

Theo phong tục truyền thống trong ngày lễ này thường diễn ra các hoạt động cúng sao giải hạn, ước nguyện nhiều điều lành vào dịp đầu năm. Phật tử có thể chọn cúng sao tại nhà nhưng thường sẽ đến các ngôi chùa lớn thực hiện việc gửi cúng sao. 

Tuy không có kinh điển Phật Pháp nào nói đến nhưng vào ngày Tết Nguyên Tiêu các vị sư thầy, sư cô thường sẽ tụng kinh Dược Sư để hồi hướng công đức cho khắp thế gian được an lành và hòa bình.

Việt Nam là đất nước đa dạng dân tộc và Tết Nguyên Tiêu là một ngày lễ lớn của người Hoa. Ở các khu tập trung người Hoa đông đúc như quận 5 thường sẽ có những hoạt động nhộn nhịp đón lễ như: nghệ thuật xiếc, bát tiên đi cà kheo, múa lân sư rồng, trình diễn ca kịch cổ truyền, đố chữ, thư pháp, đốt nhang vòng, đố đèn, dâng dầu đèn, trò chơi dân gian, lễ hội ẩm thực,..

3. Tết Hàn Thực – Ngày 3/3 âm lịch

Tết Hàn Thực là hay còn gọi là Tết bánh trôi, bánh chay diễn ra vào ngày 3 tháng 3 âm lịch. “Hàn Thực” theo từ điển có nghĩa là “thức ăn lạnh”, trong ngày diễn ra Tết Hàn Thực sẽ tuân thủ nguyên tắc chỉ ăn thức ăn lạnh đã chuẩn bị sẵn, không dùng lửa nấu thức ăn. 

Ở Việt Nam thức ăn lạnh thường sẽ là bánh trôi, bánh chay làm chủ yếu từ đỗ xanh và bột, cũng có thể dùng xôi, chè cúng ông bà, gia tiên. 

Có nhiều sự tranh cãi về nguồn gốc của Tết Hàn Thực, theo một nghiên cứu cho biết ngày lễ này bắt nguồn từ Trung Quốc và được du nhập vào Việt Nam từ thời nhà Lê.

Điển tích Trung Quốc có ghi lại Tết Hàn Thực là ngày kỷ niệm Giới Tử Thôi chết cháy. Vào thời Xuân Thu vua Tấn Văn Công (nước Tấn) gặp phải nạn lưu vong, bấy giờ ông gặp được hiền sĩ Giới Tử Thôi, ông là trợ thủ đắc lực hỗ trợ vua Tấn phục quốc. 

Thế nhưng khi đã phục vị vua chỉ thưởng công cho các vị hiền thần khác nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Tuy nhiên ông không hề oán giận vì nghĩ đây là nghĩa vụ một vị thần tử nên làm và sau đó cùng mẹ lui vào núi ở ẩn. 

Khi vua nhớ đến Giới Tử Thôi muốn lập công thưởng cho ông thì ông nhất quyết không nhận, để ép ông vua nước Tần đã hạ lệnh đốt núi để ông và mẹ đi ra nhưng với sự cương quyết cuối cùng Giới Tử Thôi và mẹ cùng chết cháy trong núi. Sau đó vua Tấn rất ân hạn và thương xót hạ lệnh lập miếu thờ và kiêng lửa 3 ngày, chỉ ăn thức ăn nguội để tưởng nhớ công lao của ông. 

4. Tết Thanh Minh – Tháng 2 đến tháng 3 âm lịch

Tết Thanh Minh diễn ra vào những ngày Tiết Thanh Minh (một trong 24 khí tiết) thường rơi vào ngày 4-5 tháng 4 (ngày cúng chính) dương lịch và kéo từ 15 đến 20 ngày tính từ ngày chuyển giao sang Tiết khí Thanh Minh đầu tiên. Trong ngày lễ này sẽ có hoạt động chính là lễ tảo mộ và hội đạp thanh. 

Tảo mộ là phong tục xa xưa bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa và du nhập sang các nước có chung nền văn minh Đông Á. Đây là ngày mà con cháu đi viếng thăm phần mộ ông bà, tổ tiên.

Thường vào ngày này gia đình sẽ đi từ sáng sớm để dọn dẹp cỏ dại, lau lùi lại khu vực mộ cho sạch sẽ, tránh để chuột rắn lại đào hang gây ảnh hưởng đến linh hồn người đã khuất. Sau khi dọn dẹp sẽ thắp nhang, đốt vàng mã hoặc đặt thêm vài bó hoa tươi cho người đã mất. Sau khi về nhà sẽ làm mâm cỗ truyền thống cúng gia tiên. Mâm cỗ thường sẽ bao gồm: xôi gà, xanh măng, hương, đèn, trầu cau, hoa quả,..

Truyền thống tảo mộ được xem là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, tượng trưng cho việc con cháu luôn biết ơn và nhớ đến tổ tiên, gia tộc, dù đi làm ăn xa cũng luôn hướng về gia đình. Đồng thời cũng được xem là một yếu tố tâm linh có thể an ủi linh hồn người đã khuất.

Hội Đạp Thanh (giẫm cỏ) ngày nay chỉ còn một số nơi ở Trung Quốc còn thực hiện, đây là ngày mà nam nữ tranh thủ sắm sửa quần áo đẹp đẽ để đi du xuân trong khi khí trời còn mát mẻ.

5. Tết Đoan Ngọ – Ngày 5/5 âm lịch

Tết Đoan Ngọ là một ngày Tết Việt Nam lớn chỉ sau Tết Nguyên Đán, diễn ra vào ngày 5 tháng 5 âm lịch hằng năm. Đoan Ngọ là có nghĩa là bắt đầu lúc giữa trưa, lúc dương khí đang thịnh. Các truyền thống cúng kiến sẽ diễn ra vào buổi trưa từ 11 giờ đến 1 giờ.

Ở Trung Quốc Tết Đoan Ngọ gắn liền với 2 điển cố là truyền thuyết Khuất Nguyên và tích 2 chàng Lưu, Nguyễn gặp tiên.  Tuy nhiên ở Việt Nam người ta ít biết đến điển cố này mà ngược lại ngày 5 tháng 5 còn được gọi là ngày giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ là ngày tưởng nhớ đến người mẹ khai sinh ra dân tộc Việt, điển hình nhất là trong dân gian có lưu truyền câu ca dao sau:

Tháng Năm ngày tết Đoan Dương,

Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang.

Ngoài ra ở Việt Nam Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết diệt sâu bọ vì đây là giai đoạn chuyển mùa nên dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này sẽ có tục “giết sâu bọ” bằng cách buổi sáng chưa ăn gì sẽ lót dạ bằng quả đương mùa và rượu nếp. Trẻ con cũng được người lớn đeo cho những túi bùa làm từ vụn lúa, bên ngoài túi vải sẽ thêu thành quả đào, quả khế, quả quất,.. buộc chỉ ngũ sắc kết tua. Móng tay móng chân trẻ sẽ được nhuộm đỏ bằng lá móng (trừ ngón tay trỏ và ngón kề ngón chân cái) và sau đó sẽ bôi hồng hoàng vào thóp, vào rốn và ngực mang ý nghĩa tiêu trừ bệnh tật. 

Hoạt động chính của Tết Đoan Ngọ là buổi lễ cúng vào giữa trưa, có nơi chọn cúng các món chay cũng có nơi cúng món ăn mặn. Món bánh tro (bánh ú) thường sẽ được chọn cho mâm cúng, ngoài ra các món ngọt như chè hạt sen, chè đỗ đen, rượu nếp, hoa quả cũng thường xuyên xuất hiện.

5. Tết Trung Nguyên – Lễ Vu Lan – Lễ Xá tội vong nhân – Ngày 15/7 âm lịch

Ngày Lễ Vu Lan là ngày quan trọng đối với người dân Việt Nam rơi vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, trùng với ngày Tết Trung Nguyên của người Hán và ngày Xá tội vong nhân trong văn hóa Á Đông.

Lễ Vu Lan là ngày lễ chính thức của đạo Phật (Đại thừa Bắc Tông), trong ngày này các Phật tử sẽ đến các ngôi chùa làm lễ và sau đó về nhà cúng tại nhà. Ở chùa thường sẽ có nghi thức “bông hồng cài áo”, bông hồng đỏ cho người còn mẹ, bông hồng trắng cho người đã mất mẹ, đây là nghi thức nhắc nhớ đến sự hiếu thảo và sự tôn kính đối với bậc sinh thành. 

Ngày lễ Vu Lan gắn liền với điển tích “Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ”. Theo Kinh Vu Lan ngài Mục Kiền Liên (1 trong 2 đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca) với lòng hiếu kính đã hướng Đức Phật tìm cách cứu mẹ mình, người đang chịu kiếp đọa quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở do nghiệp ác lúc sinh thời bà tạo ra. 

Đức Phật cảm động với lòng hiếu kính của ông nên đã hướng dẫn Mục Kiền Liên cứu mẹ bằng cách nhờ vào sự hồi hướng công đức của chư tăng mười phương giúp mẹ ông tiêu trừ nghiệp ác. 

Theo lời của Đức phật mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát và ngài nói rằng sau này chúng sanh có thể dùng cách này để báo hiếu cho cha mẹ của mình, dù là cha mẹ còn hay mất. Từ đó ngày lễ Vu Lan đã ra đời và được duy trì đến ngày hôm nay, là ngày con cái hiếu kính, thể hiện tình cảm và lòng yêu mến với cha mẹ của mình.

Theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, ngày lễ Vu Lan còn trùng với ngày Xá tội vong nhân, các gia đình thường sẽ nấu một mâm cơm cúng trước nhà để cúng những vong hồn bơ vơ không gia đình, dân gian gọi là “cúng cô hồn” hoặc “cúng thí thực”.

Trên mâm cơm ngoài thức ăn mặn như gà vịt, cháo loãng, xôi, muối, trái cây,.. còn có cả tiền, vàng mã, các đồ vật để đốt cho người cõi âm.

Theo quan niệm dân gian vào ngày rằm tháng 7 là ngày Diêm Vương mở cửa “Địa phủ” cho các âm hồn lên dương gian hưởng lộc. Người dân quan niệm rằng vào tháng 7 âm khí thịnh có nhiều vong hồn du đãng nên thường mang theo nhiều chuyện xui xẻo, thế nên hạn chế các hoạt động mua sắm, du lịch, bơi lội, đi chơi buổi tối,.. Và rất kiêng kỵ các hoạt động lớn như khai trương cửa hàng, xây nhà, cưới hỏi,..

6. Tết Trung Thu – Ngày 15/8 âm lịch

Tết Trung Thu là một trong 7 ngày Tết Việt Nam rất được chờ mong, nhất là từ trẻ em trong độ tuổi cấp 1 đến cấp 2. Theo Phan Kế Bình – Nhà văn, nhà báo nổi tiếng Việt Nam thế kỷ 20 trích trong sách “phong tục Việt Nam” thì từ thế kỷ 19 dân ta đã có phong tục đón Tết Trung Thu. Ban ngày sẽ làm lễ cúng gia tiên đến buổi tối sẽ bày tiệc thưởng trăng.

Các hoạt động trong ngày Tết Trung Thu có thể kể đến:

  • Tổ chức tiệc rước đèn: Người lớn hoặc thôn xóm sẽ tổ chức làm làm các loại đèn cho trẻ em như: đèn ông sao, đèn cá chép,.. Những em nhỏ sẽ cầm đèn cùng nhau đi khắp xóm rước đèn. 
  • Múa lân (múa sư tử): Con Lân được xem là linh vật tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng nên dịp Tết Trung Thu múa lân được xem như hoạt động cầu may mắn, an lành trong dịp trăng tròn.
  • Bày cỗ: Mâm cỗ Trung Thu không thể thiếu con chó làm bằng tép bưởi được gắn 2 hạt đậu đen làm mắt, xung quanh bày thêm nhiều loại trái cây, bánh nướng, bánh dẻo, bánh pía hoặc bánh chay có hình may mắn như đàn lợn, cá chép. Đến lúc trăng lên cao cả gia đình sẽ cùng nhau phá cỗ, thưởng thức hương vị bánh, trái cùng các loại trà thơm ngon.
  • Hát trống quân: Tục này diễn ra chủ yếu ở miền Bắc Việt Nam, đôi bên nam nữ sẽ hát hò đối đáp trên nhịp điệu “thình, thùng, thình” dựa trên theo tác đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng để tạo ra nhạc đệm.
  • Hoạt động tặng bánh Trung Thu: Vào dịp này mọi người thường xuyên biếu bánh Trung Thu hoặc các loại đèn cho người thân, bạn bè, đối tác, khách hàng,.. để cùng nhau chia vui vào ngày đặc biệt. 

7. Tết Táo Quân – Ngày 23/12 âm lịch

Tết Táo Quân (Tết Ông Công) diễn ra vào ngày 23 tháng chạp (23/12) hằng năm, là một trong những ngày quan trọng đối với người dân Việt Nam. Táo Quân trong tín ngưỡng của người dân Việt Nam gắn liền với truyền thuyết ba vị thần là Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ. Trong dân gian thường truyền miệng là huyền tích “2 ông 1 bà” là thần Đất, thần Nhà, Thần bếp núc.

Cụ thể nguồn gốc của Tết Táo Quân bắt đầu từ câu chuyện của một gia đình, người đàn ông tên là Trọng Cao có vợ là Thị Nhi, hai người ăn ở với nhau đã lâu nhưng không có nổi mụn con đâm ra Trọng Cao thường xuyên buồn phiền, vợ chồng hay xảy ra tranh cãi. Vào một hôm nọ trong cơn nóng giận Trọng Cao ra tay đánh Thị Nhi, ngay sau đó bà u uất và bỏ nhà ra đi.

Thời gian sau Thị Nhi gặp gỡ và đồng ý lập gia đình với Phạm Lang và yên bề gia thất. Còn về phía Trọng Cao sau khi hết giận vợ và thấy bản thân có lỗi ông đã gom hết tiền bạc đi tìm vợ, trong thời gian đó tiền bạc tiêu hết ông phải đi ăn xin.

Vào một hôm nọ ông đi xin đến trước nhà Thị Nhi, gặp lại chồng cũ bà mời ông vào nhà, sau khi trò chuyện Thị Nhi tỏ vẻ ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng. Sau đó Phạm Lang trở về nhà, vì sợ gặp Trọng Cao ở đây thì khó giải thích nên Thị Nhi đã bảo chồng cũ trốn vào đống rơm ngoài vườn nhà. 

Phạm Lang không biết chuyện nên ông đã đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng cao vô tình chết cháy, sau khi Thị Nhi hay tin vì ân hận đã vô tình hại chết chồng cũ bà cũng nhào vào lửa bồi tội. Phạm Lang quá bất ngờ trước biến cố xảy ra, thấy vợ chết cũng nhảy vào theo vợ, thế là cả ba cùng nhau chết cháy. 

Linh hồn của ba người được đưa lên Thượng Đế, thấy ba người có tình có nghĩa nên Thượng Đế sắc phong cả ba làm Táo Quân, gọi chung là “Định Phúc Táo Quân” cho mỗi người cai quản một việc. 

Trong tín ngưỡng lâu đời của người Việt, vào ngày 23 tháng chạp hằng năm, ông bà Táo Quân sẽ cưỡi cá chép lên trời bẩm tấu việc tốt, xấu của gia đình mình cai quản với Thượng Đế.

Để tỏ lòng biết ơn công lao của ông bà Táo, người dân Việt Nam thường bày mâm cúng để tiễn ông Táo về chầu trời, mỗi nhà thường sẽ bày mâm cúng cạnh bếp lò với các loại bánh mức, xôi, chè,.. có nhà sẽ thả cá chép để Táo Quân có phương tiện về trời. Điều đó giúp gia đình cầu bình an, hạnh phúc và nhiều điều phước lành trong dịp năm mới.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tuyển tập nhạc Tết hay nhất Bộ sưu tập câu chúc Tết ý nghĩa
Tập tục Xông đất ngày tết Văn khấn Tết
Món ăn Tết theo từng vùng miền Những cách trang trí Tết độc đáo nhất
cta phan hoang gia
Liên hệ ngay cho PHG
Tập thể Phan Hoàng Gia xin chào Anh Chị!
Tập thể Phan Hoàng Gia xin chào Anh Chị!