25 Điều kiêng kỵ ngày Tết cần biết để tránh hung đón cát năm 2024

Năm mới mang đến niềm vui, sự phấn khởi và hân hoan cho toàn thể người dân đất Việt. Những phong tục truyền thống đẹp đẽ được thực hiện với mong muốn mang đến sự may mắn, tài lộc cho gia đình trong cả năm dài.

Tuy nhiên vẫn có những điều kiêng kỵ ngày Tết anh chị nhất định phải biết để tránh vô tình mang các vận vui ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của gia đạo. Cùng Phan Hoàng Gia tìm hiểu chi tiết về 25 điều kiêng kỵ này trong dịp năm mới nhé!

1. 23 Điều kiêng kỵ ngày Tết nhất định phải biết trong năm 2024

1.1. Không cắt tóc, cắt móng ngày tết

Dân gian có câu “cái răng, cái tóc là gốc con người” điều này đồng nghĩa với việc người Việt Nam rất coi trọng răng, tóc, móng vì họ cho rằng nó gắn liền với  sức khỏe mỗi người. Chính vì lẽ đó trong dịp quan trọng như Tết thường sẽ không cho con cháu cắt tóc, cắt móng bởi người Việt quan niệm rằng nó sẽ cắt đi sức khỏe và vận may của mỗi người.

1.2. Không quét nhà, đổ rác ngày mùng

Trong quyển “Nghi lễ vòng đời người” do phó giáo sư Lê Trung Vũ biên soạn có viết “ Xa xưa có câu chuyện người lái buôn tên Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo gặp duyên may được Thủy Thần tặng cho một con khỉ tên là Như Nguyệt. Ông đem về nhà vài năm thì làm ăn phát đạt, giàu to cả vùng. Vào ngày mùng 1 nọ do có chuyện bực tức ông đã đánh nó sau đó nó chui vào đống rác ở góc nhà và từ đó mất tăm. Kể từ ngày đó nhà Âu Minh dần dần khánh kiệt và trở lại cuộc đời nghèo khổ.”

Do đó vào 3 ngày Tết đặc biệt là mùng 1 người dân Việt Nam rất kiêng kỵ việc quét nhà và đổ rác bởi điều đó đồng nghĩa với việc quét hết vận may và tài lộc của gia đình.

Đến tận ngày hôm nay tập tục này vẫn còn được áp dụng nhưng không quá hà khắc nữa, thường họ chỉ quét sơ sơ nhà và gom rác để ở một góc nhà chứ không bỏ đi, qua 3 ngày Tết họ mới đi xử lý rác thải.

1.3. Không làm bể đồ ngày Tết

Theo quan niệm phương Đông vào ngày Tết nên cẩn thận không được làm đổ bể các đồ sứ, thủy tinh, sành, gốm trong nhà vì điều đó thể hiện sự mong manh, chóng vánh, dễ vỡ tan. Nếu chén đĩa vỡ ông bà ta còn cho rằng sẽ làm vận xui đeo bám gia đình.

1.4. Không mặc đồ trắng đen 

Theo dân gian vào những ngày Tết Nguyên Đán nên hạn chế tối đa mặc đồ màu trắng và đen càng không nên mặc thuần một màu là trắng hoặc đen bởi nó sẽ mang lại những điều không may mắn cho năm mới.

Với người Việt Nam màu trắng thường là trang phục “tang lễ” gắn liền với những mất mát, đau thương còn màu đen lại gắn liền với tà khí nên sẽ không mang lại may mắn cho dịp năm mới.

1.5. Kiêng kỵ việc cãi nhau ngày Tết

Xuân đến là dịp đoàn viên gia đình không nên để xảy ra những tranh chấp, cãi vã không đáng có. Việc cãi nhau chẳng những gây mất tình cảm đôi bên mà còn mang ý nghĩa gia đình dễ xảy ra bất hòa, rạn nứt các mối quan hệ, điều ấy sẽ không mang đến may mắn cho gia đạo.

1.6. Không nói lời xui xẻo ngày mùng 1 Tết

Thường vào ngày mùng 1 ông bà sẽ dặn con cháu chỉ nên nói những câu tốt lành, may mắn và vui vẻ, tuyệt đối tránh nói những câu những từ xui xẻo kẻo cả năm sẽ bị bám vận xui. Ví dụ như không nên nói về các loại tai nạn xe cộ, tai nạn nghề nghiệp, không nói về đau thương, chết chóc, chiến tranh, không nên nói tục chửi thề hay nói xấu người khác.

1.7. Không buồn tủi, khóc than ngày Tết

Tết đến là dịp khắp nơi vang lên khúc hát vui mừng, dù năm cũ có chuyện buồn thương hay kém may mắn gì hãy tạm gác lại để tận hưởng khúc giao mùa ý nghĩa và tốt lành hơn. Niềm tin về cuộc sống sẽ giúp chúng ta thấy nhẹ nhàng và có thêm nhiều động lực. Thế nên đừng để 3 ngày Tết mặt lúc nào cũng ủ rũ, than thở hoặc khóc lóc, điều này được cho là sẽ mang đến những điều tiêu cực cho cả năm sau đó.

Quan trọng hơn thế, khi có khách đến nhà chủ nhà càng phải niềm nở đón chào không được buồn bã sẽ tạo nên không khí ngột ngạt và mất vui. 

1.8. Kiêng kỵ vay mượn hay đòi nợ đầu năm

Đầu năm đầu tháng người Việt rất kiêng kỵ việc đi vay mượn nợ hoặc đi đòi nợ người khác. Người cho vay sẽ làm tài lộc của chính mình bị phân tán đi nhiều nơi, cả năm sau đó chỉ có thể chạy theo đòi nợ chứ không làm ăn phát đạt được vì mất tài lộc và mất vía.

Người đi mượn nợ cũng sẽ cả năm vất vả không ăn nên làm ra chỉ có thể đi vay mượn để trang trải cuộc sống. Hiểu được những điều ấy nên thường chúng ta sẽ trả tiền trước 30 Tết hoặc có sự thương lượng và thống nhất về thời gian nợ và mượn nợ để tránh mang lại vận xui cho cả hai.

1.9. Không đi chúc tết sáng mùng 1

Trong các phong tục ngày Tết của dân tộc ta việc chọn người xông đất đầu năm thường rất được chú trọng, bởi người đầu tiên bước vào nhà sau thời khắc giao thừa được cho là sẽ ảnh hưởng đến vận may và sự thịnh vượng cả năm sau đó của gia chủ. 

Nếu không hợp mệnh, hợp tuổi hoặc chưa thực hiện đủ nguyên tắc khi đến xông đất sẽ gây ảnh hưởng đến tài vận của gia đình người khác. Thế nên người Việt sẽ thường không đi chúc Tết vào ngày mùng 1 bởi họ không biết cụ thể nhà người đó có tin và chọn người xông đất không.

Chính vì lẽ đó mùng 1 Tết thường ai sẽ ở nhà nấy, chỉ chúc Tết và mừng tuổi các thành viên trong gia đình hoặc chỉ đến thăm nhà họ hàng thân thuộc chứ không đi đến nhà hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp.

1.10. Không để người có tang hoặc có bầu xông đất ngày đầu năm

Người xông đất đầu năm cần tìm người hợp tuổi, người có vận may, làm ăn phát đạt hoặc có vía tốt, gia đình hòa thuận để mang đến may mắn cho gia chủ. Thế nên nếu người xông đất đang chịu tang sẽ không phù hợp với tiêu chí này, bởi chính họ cũng đang chịu đựng những mất mát, buồn thương nên sẽ không phù hợp để xông đất nếu tin tâm linh.

Người nữ đang mang thai thì sẽ có hai người mà tục xông đất chỉ cần một người bước vào thế nên nhiều gia đình vẫn kiêng kỵ điều đó. Nhưng chung quy tùy theo niềm tin của mỗi người chứ không có nguyên tắc cụ thể nào quy định cả.

Xem ngay các bài viết hay và ý nghĩa về chủ đề Tết để có thêm nhiều ý tưởng mới mẻ và độc đáo cho năm 2024

1.11. Kiêng kỵ may vá quần áo ngày đầu năm

Dân gian có câu “giật gấu vá vai” việc may vá quần áo là bình thường trong năm tuy nhiên vào ngày đầu năm nhất là 3 ngày Tết nên hạn chế nếu không thực sự quá cần thiết. 

Bởi việc may vá giống như đang cố gắng chấp vá lại những điều chưa lành lặn, chưa hoàn hảo thế nên theo yếu tố tâm linh nó sẽ khiến gia chủ vất vả, khổ sở chịu cảnh thiếu trước hụt sau cả năm.

1.12. Kiêng kỵ mua đồ xui xẻo ngày đầu năm

Ông bà thường mách bảo con cháu không được mua các vật dụng như: thớt, chày cối, dao, bát, đũa vào dịp đầu năm vì họ tin rằng các vật dụng này sẽ mang lại xui xẻo cho gia đình và tạo nên sự xung khắc giữa các thành viên.

1.13. Kiêng kỵ về thăm ngoại mùng 1, mùng 4 và mùng 5

“Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”, thường vào mùng 1 người Việt sẽ cúng kiến và chúc Tết ở nhà nội, Mùng 2 sẽ về thăm nhà mẹ được cho là sẽ mang đến nhiều may mắn cho nhà ngoại. Thế nên mùng 1 thường sẽ không về nhà ngoại.

Còn để giải thích tại sao mùng 4 và mùng 5 cũng không nên về ngoại thì dân gian cũng có câu “mùng năm, mùng bốn, hai ba đi chơi cũng thiệt nữa là đi buôn” nên những ngày này thường không nên xuất hành đi du xuân hoặc thăm viếng.

1.14. Kiêng kỵ giặt quần áo ngày mùng 1, mùng 2 Tết

Dân gian lưu truyền lại rằng ngày mùng 1 và mùng 2 Tết là ngày của Thủy Thần do đó việc giặt quần áo được cho là mạo phạm đến thần thánh. Các gia đình người Việt sẽ gom quần áo đến hết 3 ngày Tết mới giặc một lần để tránh mạo phạm thần thánh mang đến nhiều chuyện xui xẻo cho gia đình.

1.15. Kiêng kỵ mua vật sắc nhọn đầu năm

Đầu năm không nên mua các vật sắc nhọn như: dao lam, kéo, kim,.. Bởi theo quan niệm từ xưa đến nay các vật sắc nhọn thường mang tà khí và ma quỷ có thể bám trong đó cư ngụ thế nên vào những ngày Tết không nên mua về nhà.

1.16. Kiêng kỵ đóng cửa nhà ngày Tết

Người Việt Nam quan niệm rằng cửa nhà là nơi đón các vị Thần vào nhà ban phước lành và gia hộ gia đình thế nên trong dịp Tết đóng cửa nhà các vị thần sẽ không vào được. Chẳng những mạo phạm thần linh mà nếu trong năm không được ban phước lành gia đình sẽ mất tài lộc và gặp những chuyện không tốt về sức khỏe lẫn công việc làm ăn.

1.17. Không nên bỏ phí thức ăn ngày Tết

Nếu không muốn cả năm gia đình rơi vào cảnh khó khăn, đói khát thì anh chị tuyệt đối đừng để lãng phí thức ăn vào ngày Tết, bởi đây là điều rất kiêng kỵ đối với người Việt.

Anh chị nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có lượng thức ăn vừa đủ cho dịp xuân về Tết đến. Khi ăn cơm cũng không nên lấy tay chống má, dùng đũa chống thẳng vào bát vì điều đó sẽ mang đến sự nghèo khó cho gia đình.

1.18. Kiêng kỵ vỗ vai, quàng vai ngày Tết

Bình thường anh em thân thiết thường hay vỗ vai hoặc quàng vai nhau thể hiện tình cảm tuy nhiên ngày Tết không nên làm điều này. Quan niệm xưa cho rằng việc đó sẽ làm người bị quàng vai gặp xui xẻo, dễ lận đận về tình duyên và gặp khó khăn trong cuộc sống.

1.19. Nên về nhà trước Giao Thừa

Theo quan niệm của người Việt cúng Giao Thừa là thời khắc chuyển giao quan trọng, là thời điểm chuyển giao công việc của vị quan điều hành, cai trị thiên hạ (một vị thần linh). Thế nên mỗi năm gia đình nào cũng làm mâm cỗ cúng để đưa tiễn vị thần ấy. 

Đêm đến mỗi nhà cũng sẽ cúng kiến với gia tiên và trời đất, chính vì điều đó mỗi người con của gia đình phải có mặt ở nhà và thực hiện việc cúng bái để cầu mong điềm lành cho gia đình.

1.20. Không chúc Tết người đang nằm

Ở nhiều gia đình người Việt sẽ có những chiếc giường, chiếc võng ở phòng khách để nghỉ ngơi thế nên khi đến nhà người khác chúc Tết anh chị nên để ý đừng chúc Tết người đang nằm. Bởi điều ấy sẽ vô tình làm người nhận lời chúc gặp phải xui xẻo.

1.21. Kiêng kỵ quan hệ nam nữ ngày mùng 1

Ngày mùng 1 sẽ là ngày dương khí đất trời thịnh nhất mà chuyện vợ chồng lại là chuyện “âm dương” hòa hợp nên sẽ không tốt và cần phải kiêng kỵ. Ngoài ra ngày mùng 1 sẽ là ngày con cháu đoàn tụ cúng bái gia tiên đã khuất thế nên việc vợ chồng cũng không nên diễn ra vì điều ấy sẽ bất kính với gia tiên.

1.22. Kiêng kỵ ăn trứng vịt lộn đầu năm

Hột vịt lộn là một món ăn rất được yêu thích của người Việt, chẳng những hương vị thơm ngon mà cũng có nhiều chất dinh dưỡng. Tuy nhiên trong dịp năm mới anh chị phải kiêng kỵ ăn hột vịt lộn bởi dân gian quan niệm rằng chuyện may mắn sẽ bị đảo “lộn”, như vậy cả năm sẽ thường xuyên gặp chuyện xui xẻo.

1.23. Kiêng kỵ ngồi hoặc đứng trước cửa nhà

Cửa nhà là nơi đón tài lộc, may mắn và thần linh trong dịp năm mới thế nên việc anh chị đứng hoặc ngồi trước cửa nhà sẽ cản những điềm tốt đến với gia đình. Ngoài ra Tết cũng là dịp có nhiều khách đến nhà thế nên việc đứng trước cửa cũng là hành động không được lịch sự.

2. Những điều kiêng kỵ ngày giao thừa

Giao thừa là dịp quan trọng của gia đình thế nên các thành viên phải cố gắng tránh một số việc sau để đảm bảo mang đến sự thịnh vượng và may mắn cho gia đình:

  • Kiêng kỵ làm đổ vỡ đồ vật
  • Không soi gương vào buổi tối
  • Cấm kỵ đổ dầu ra nền nhà
  • Tránh cãi cọ, tranh chấp
  • Không ăn cháo trắng
  • Không cầm kéo, dao
  • Không phơi đồ
  • Không đổ rác
  • Không nói lời xui xẻo
  • Không mở két sắt
  • Không buồn tủi, khóc than
  • Không ăn cá, đuôi cá 

3. Những món ăn kiêng kỵ ngày Tết

Vào ngày Tết món ăn luôn rất đa dạng và phong phú thế nhưng vẫn có một số món ăn cần kiêng kỵ để tránh mang đến những điềm không may mắn:

  • Thịt chó
  • Mắm tôm, tỏi
  • Tôm
  • Mực
  • Trứng vịt lộn
  • Cá mè
  • Thịt vịt
  • Sầu riêng
  • Thịt chim
  • Chuối, cam, lê
  • Cháo trắng
  • Ốc

4. Những điều nên làm vào ngày Tết

Vào dịp Tết ngoài những việc cần phải kiêng kỵ thì cũng có những việc nên làm để mang đến may mắn và điềm lành cho gia đình như:

  • Lì xì tết: Cầu chúc may mắn, bình an và điềm lành cho người khác cũng là mang đến may mắn cho chính bản thân mình.
  • Đi chùa cầu phúc: Việc đi chùa cầu phúc đầu năm sẽ mang đến cảm giác an tâm cho gia đình, cầu cho gia đình được hòa thuận, công việc phát đạt.
  • Nói lời tốt đẹp: Một năm mới sẽ thuận lợi và vui vẻ hơn nếu nói những lời chúc tốt đẹp cho nhau.
  • Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ: Việc dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ là sự tôn trọng với gia tiên và cũng là việc nên làm để đón các vị thần linh đến gia đình.
  • Mặc đồ màu sắc sáng như đỏ, vàng, hồng được cho là sẽ mang đến hỉ khí và may mắn đồng thời tạo bầu không khí vui vẻ và ấm áp.
  • Mua muối: Muối trong dịp đầu năm được gọi là muối lộc bởi người xưa quan niệm muối có vị mặn sẽ có tác dụng xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn cho gia đình.
  • Ăn xôi gấc: Xôi gấc có màu đỏ tượng trưng cho hạnh phúc, may mắn có thể mang đến tài lộc cho gia đình.
  • Hái lộc đầu năm là việc bẻ những cành cây (cành mai, cành si, cành đề,..)  được gọi là cành lộc, đây là những cây tươi tốt quanh năm được xem là mang đến lộc chồi, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở. 

5. Mùng 1 Tết ngủ nhà người khác có sao không?

Ngày xưa người Việt Nam cho rằng vào những ngày Tết nhất là đêm Giao Thừa và mùng 1 thì chỉ nên ở nhà mình không nên ngủ nhà người khác, vì đây là thời khắc giao mùa vận khí của mình có thể ảnh hưởng đến gia đình người khác. Tuy nhiên hiện nay đã không còn quá nhiều người để ý đến vấn đề này, nên tùy theo niềm tin của gia đình mà sẽ có những nguyên tắc riêng.

6. Những điều kiêng kỵ mùng 1 âm?

Theo quan niệm tín ngưỡng của người dân Việt Nam vào ngày mùng 1 Tết nên kiêng kỵ những điều sau:

  • Kiêng quét nhà và đổ rác.
  • Không làm đổ bể đồ, không cãi nhau, đánh nhau.
  • Không nói lời xui xẻo chết chóc.
  • Kiêng mặc đồ màu trắng và đen.
  • Kiêng đi chúc Tết ngày mùng 1.
  • Kỵ cho lửa và nước ngày đầu năm.

cta phan hoang gia
Liên hệ ngay cho PHG
Tập thể Phan Hoàng Gia xin chào Anh Chị!
Tập thể Phan Hoàng Gia xin chào Anh Chị!